Coi văn hóa là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị, trong đó văn hóa ở vào vị trí trung tâm, có vai trò điều tiết xã hội.
Muốn xác định vai trò đó, mọi hoạt động văn hóa phải thực sự hòa quyện, thâm nhập vào cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của đông đảo quần chúng nhân dân với đầy đủ những mảng tối sáng đầy góc cạnh của nó làm đối tượng phản ánh và phục vụ.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng, là một bộ phận cơ bản, quan trọng không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là tư tưởng nhất quán trong tư tưởng của Người nói chung và về văn hóa báo chí nói riêng.
Hai trong những quan điểm cơ bản về văn hóa báo chí trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Một là, báo chí góp phần nâng cao dân trí nhằm hướng tới phát triển con người toàn diện
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng báo chí cách mạng có chức năng giáo dục, giúp cho dân chúng "mở mắt, mở tai", hiểu biết đúng, sai, chính, tà… Báo chí cần đem chủ trương của đoàn thể, của Chính phủ để giải thích cho dân, để cho mọi người cùng hiểu, cùng đồng tâm hiệp lực làm cho được, đem kinh nghiệm hay việc làm tốt mà phổ biến cho dân chúng noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi báo chí như là một diễn đàn để huấn luyện và giáo dục về chính trị, nghiệp vụ và đạo đức. Người nói: "Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất".
Theo Người, báo chí phải góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, giúp cho người đọc bổ sung vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, giúp cho người dân có kiến thức mới xây dựng nếp sống mới để xây dựng đất nước thành quốc gia có nền văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Và như vậy, báo chí là một nhân tố quan trọng để phát triển con người toàn diện.
Hai là, xây dựng một nền báo chí cách mạng mang tính nhân dân và tính quần chúng
Theo Người, báo chí phải bảo đảm tính nhân dân, phổ thông, đại chúng. Người căn dặn: "Ta là cán bộ cách mạng, ta viết và nói cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được".
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở những người làm báo, báo chí không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Chính phủ. Người dạy các nhà báo phải chú ý đến đối tượng bạn đọc. Cần viết sao cho phù hợp với trình độ của đại đa số dân chúng Việt Nam, cho người ta thích đọc, đọc rồi hiểu và dễ dàng vận dụng, làm theo. Vì vậy, những người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng và phải học cách nói của nhân dân: "Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân...".
Người chỉ rõ: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng". Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, hạn chế dùng từ nước ngoài... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Báo chí phải phục vụ nhân dân trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú.
Tính nhân dân và tính quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa báo chí, chính là biểu hiện mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động - những người sáng tạo chân chính của lịch sử. Tính nhân dân chính là sự tham gia tích cực, thường xuyên của đông đảo nhân dân vào các hoạt động của báo chí, đồng thời mọi sản phẩm của báo chí phục vụ nhu cầu lành mạnh của quần chúng. Bên cạnh đó báo chí cũng thu hút được trí tuệ, tài năng, sáng tạo của toàn xã hội, để nâng cao tính hấp dẫn, tính trí tuệ của báo chí.
Để thực hành tốt hai trong số những quan điểm cơ bản về văn hóa báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần:
1. Khơi dậy, lan tỏa những thông điệp văn hóa tích cực
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn "cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa"; "nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động". Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Nhà báo không phải để cho oai, để phách lối, hù dọa người; báo chí có nghĩa vụ phục vụ công nông binh, đấy chính là văn hóa báo chí. Thời gian qua, báo Dân trí cũng đã xây dựng nhiều tuyến bài viết khơi nguồn, lan tỏa tinh thần trong công cuộc xây dựng văn hóa, xây dựng kinh tế đất nước như chùm bài Phục hồi kinh tế Việt Nam; hay Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây, đăng trung tuần tháng 3/2023. Đặc biệt chùm bài chủ đề Ngược dòng được đăng tải trên báo điện tử Dân trí vào tháng cuối cùng của năm 2022, mang những thông điệp mạnh mẽ về câu chuyện lội ngược dòng, hồi sinh sau đại dịch.
Bên cạnh những thách thức chính là cơ hội và cơ hội đó được chính báo chí góp phần khơi gợi, để đi tới đích cuối chính là những giải pháp được đưa ra, nhằm thúc đẩy cho đất nước và con người cùng phát triển. Bởi vậy, giữa cuộc sống và những dòng chảy tin tức đầy những câu chuyện tiêu cực, thì những nội dung mang thông điệp tích cực đang được lan tỏa, đẩy mạnh trên trang báo Dân trí.
2. Loại bỏ những biểu hiện "lệch hướng" khỏi chuẩn mực văn hóa
Trong bối cảnh phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet đã và đang trở thành phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa và tác phẩm văn học, nghệ thuật, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của xã hội. Điều này, đòi hỏi từ chính các đơn vị báo chí cần có những quy định chặt chẽ với các cán bộ trong đơn vị thực hiện đúng chức năng của người làm báo. Tránh việc đưa các thông tin sai lệch, những thông tin có thể ảnh hưởng tới đời sống của đông đảo người dân.
Nếu người làm báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ".
3. Người viết báo luôn phải đảm bảo sự trung thực, hấp dẫn
Có một câu nói rằng "Điều duy nhất không bao giờ thay đổi đó chính là sự thay đổi", bởi vậy, giống như tất cả mọi thứ trên đời, để hấp dẫn được bạn đọc đòi hỏi từng cá nhân, từng cơ quan báo chí luôn phải có sự đổi mới. Sự đổi mới tới từ cách thể hiện, cách đặt vấn đề cho nội dung, tới cả công nghệ được áp dụng trên trang báo. Đổi mới để hấp dẫn bạn đọc, nhưng luôn phải bám vào sự trung thực, khách quan, có như vậy các trang báo điện tử mới "chiến thắng" được những nguồn tin đang tràn lan trên mạng xã hội, trên các công cụ AI khác.
Sự đổi mới, thay đổi phải diễn ra thường xuyên và như tác giả Jim Collins, Jerry I.Porras trong cuốn Xây dựng để trường tồn, thì một trong những thói quen để thành công chính là cần phải "Thử nhiều cách và giữ lại những cách hiệu quả nhất". Và thực tế, có những sự thay đổi phù hợp đều bắt nguồn từ sự vận động, luôn đổi mới đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ.., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán". Người căn dặn những người làm báo: "Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lôi cuốn được công chúng, báo chí đòi hỏi phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của người đọc, vì "sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc".
4. Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí
Văn hóa cơ quan là cốt lõi hoạt động của một đơn vị. Văn hóa đó được xây dựng từ chính bản thân của từng thành viên trong đơn vị. Văn hóa đó cũng được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi của việc nắm vững nguyên tắc nghề báo, đặc biệt là nắm vững những điểm cơ bản về văn hóa báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Những người làm báo không chỉ trau dồi nghiệp vụ mà còn phải cẩn trọng trong mọi phát ngôn của mình trên môi trường mạng xã hội. Sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan cũng góp phần xây nên một môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Như vậy, báo chí là một phần của văn hóa, những người làm báo chính là những người có trách nhiệm truyền tải những thông điệp tích cực, văn hóa xung quanh mình, tạo niềm tin cho bạn đọc cũng như sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo làm ra sản phẩm lao động là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hóa ở mức rất cao. Nếu nhà báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế hơn ai hết nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp thì mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân, của xã hội.
_________________
Tài liệu tham khảo:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh: Chỉ dẫn để xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, https://baochinhphu.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-chi-dan-de-xay-dung-va-phat-trien-nen-van-hoa-moi-102304081.htm
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa báo chí, https://hoinhabaotuyenquang.org.vn/DetailView/2305/49/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-van-hoa-bao-chi.html
- Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-nen-bao-chi-truyen-thong-chuyen-nghiep-nhan-van-va-hien-dai-697813