GD&TĐ - Nhân tố mang tính quyết định, yếu tố “cần” là đội ngũ giáo viên. Còn cơ sở vật chất, cơ chế chính sách là điều kiện “đủ” cho việc triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ điều này trong phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sáng 30/3.
Trong phát biểu, Bộ trưởng bày tỏ niềm vui, phấn chấn, sự lạc quan trước những thay đổi tích cực thầy cô và học trò. Qua trao đổi, nhận thấy các thầy cô hiểu mình đã làm gì, cần phải làm gì và làm với tất cả tinh thần trách nhiệm; học sinh học Chương trình GDPT 2018 tư duy rành mạch, sự tự tin gia tăng hơn nhiều so với trước đây.
Bộ trưởng cho biết: Chương trình GDPT 2018 thiết kế hướng đến 3 nhóm đối tượng. Trước hết là cho nhóm số đông, mức độ trung bình của nhiều tỉnh thành, nhiều khu vực dân cư, nhiều đối tượng học sinh, thầy cô có thể thuận lợi triển khai. Đồng thời, với nhóm khu vực thuận lợi thì mở đường để có thể chủ động vươn tới chất lượng cao hơn và tạo điều kiện để nhóm đặc biệt khó khăn có một lộ trình chuẩn bị, khi được hỗ trợ sẽ theo được.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn giám sát trao đổi với học sinh nhà trường.
Ảnh: Hà Thuận
|
Trong quá trình triển khai, Bộ trưởng nhấn mạnh nhân tố mang tính quyết định, yếu tố “cần” chính là đội ngũ giáo viên. Còn cơ sở vật chất, cơ chế chính sách là điều kiện “đủ” cho việc triển khai. Mức độ thầy cô đổi mới đến đâu quyết định sự thành công của triển khai đổi mới. Nên “sự mới” của thầy cô phải đi trước một bước, là một trọng tâm và phải phấn đấu cho bằng được.
Xác định thay đổi này là một áp lực lớn và vấn đề đặt ra là thầy cô có được hỗ trợ “đến nơi, đến chốn” hay không, Bộ trưởng lưu ý: Trước đây, giáo viên là người truyền đạt, truyền thụ kiến thức, đo xem mức độ tiếp nhận kiến thức của học trò đến đâu. Nay vai trò giáo viên chuyển sang là người dẫn dắt, chỉ đường, tổ chức, hỗ trợ… nên tính chất công việc thay đổi. Với thay đổi này, thầy cô sẽ ứng phó được với thời đại bùng nổ kiến thức, thông tin.
Từng nhiều lần nhấn mạnh đến những khó khăn, vướng mắc nhưng lần này, Bộ trưởng đồng thời nhắc đến cả thuận lợi trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Trong đó có tính kế thừa của chương trình và những đổi mới về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đã có một quá trình từ nhiều năm về trước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn giám sát trao đổi với cán bộ quản lý, giáo viên Trường Phổ thông DTNT tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hà Thuận.
|
“Nếu đóng vai trò là người biết mọi thứ, “biết tuốt”, chạy theo kiến thức như cũ, chúng ta sẽ ngày càng đuối, càng bất lực”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ cùng các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu.
Cùng với đó, nhà giáo là lực lượng giàu sức sáng tạo, khi được tập huấn và hỗ trợ đầy đủ, thầy cô có thể làm được những điều kỳ diệu. Tiếp nữa, trong triển khai, sự phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của cấp tỉnh là người tổ chức đổi mới và lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến việc này. Ngoài ra, việc huy động được nhiều nguồn lực xã hội, sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục cũng là thuận lợi khi triển khai chương trình mới.
Bộ trưởng nhận định: Đổi mới là một quá trình. Có nội dung cần đạt ngay, nhưng cũng có nội dung chương trình mới đặt ra những khoảng để các địa phương, nhà trường có mục tiêu, điều kiện chuẩn bị, ví dụ như việc lựa chọn môn học, triển khai môn Nghệ thuật… Từ đó đề nghị lãnh đạo địa phương cần bắt tay ngay vào quá trình chuẩn bị này.
Riêng với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu, ngoài thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình GDPT như các đơn vị trường học khác trên cả nước, còn thêm nhiệm vụ giáo dục dân tộc; chăm lo, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước với con em đồng bào dân tộc… Do đó, Bộ trưởng lưu ý cần phát huy bản sắc dân tộc của học sinh trên các phương diện văn hóa, ý thức trách nhiệm với dân tộc, quê hương mình; lưu ý để sau này các em đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng dân tộc mình… Đó được xem như một phương diện dạy con người.